Tình trạng viêm tắc tia sữa khá phổ biến ở những bà mẹ sinh con đầu lòng, biểu hiện của bệnh là hai vú cương cứng, rất đau, nóng, nhiều trường hợp còn bị sốt vừa hoặc sốt cao. Nếu để tình trạng này kéo dài không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú, người mẹ mất sữa. Với những bà mẹ trẻ, không gì tốt hơn là sự sẻ chia kinh nghiệm chân thành từ những người “đồng cảnh ngộ”.
Sử dụng lá bắp cải để chữa tắc tia sữa
Theo Đông y, Cải bắp giúp chống suy nhược thần kinh, giảm đau nhức phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch và nhiều loại bệnh khác.Đặc biệt cũng là một bài thuốc dân gian chữa bệnh viêm tắc tia sữa hữu hiệu.
– Đầu tiên, các mẹ mua cây bắp cải về, tách lấy từng lá, rửa sạch đi để ráo nước, có thể cắt bỏ bớt phần lá mềm đi, chỉ để lại phần cọng cứng thôi.
– Dùng phần cọng cứng của lá bắp cải hơ lửa cho thật nóng (càng nóng càng tốt).
– Cởi bỏ áo ngực, đắp lên chỗ bị tắc sữa một lớp khăn, nếu sợ nóng quá thì để vài ba lớp cũng được.
– Cọng cứng bắp cải đã hơ nóng đặt lên chỗ bị tắc sữa dùng tay day thật mạnh. Nóng lắm đấy, đau lắm đấy, nhưng các mẹ cố gắng phải chịu, mà không chịu được thì cứ khóc thoải mái. Nếu đệm nhiều lớp khăn thì bỏ dần ra nhé. Các mẹ nên lấy khăn để thấm sữa chảy, chảy càng nhiều nghĩa là sữa càng thông.
– Bớt nóng thì lại hơ rồi làm tiếp, lá héo thì thay lá khác. Nói chung là nguyên lý của việc làm này là dùng cái nóng làm tan chỗ vón cục.
Một cách sử dụng lá bắp cải nữa để làm giảm sự đau, nóng khi bị căng sữa sau sinh:
– Mua lá bắp cải xanh, rửa sạch và để khô. Sau đó để vào tủ lạnh.
– Lấy bớt gân lá, quấn lá xung quanh bầu ngực, để hở đầu ti. Lá cải cần ôm sát bầu ngực và người mẹ cảm thấy lạnh vừa phải.
-Thay 30 phút/lần hoặc sớm hơn nếu lá héo.
– Kiểm tra lại bầu ngực thường xuyên, bỏ lá cải ra và chuẩn bị cho bú hoặc hút sữa ngay khi người mẹ có cảm giác sữa bắt đầu chảy.
– Có thể áp dụng 1-3 lần trước khi cho bú. Tuy nhiên, việc lạm dụng phương pháp này lại làm giảm tiết sữa.
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng một miếng gạc mát, giúp giảm sưng hoặc tắm vòi hoa sen với nước ấm. Đặt miếng lót ngực trong ngăn mát tủ lạnh. Sau đó, lấy ra, đệm vào bên trong áo lót. Hơi mát sẽ giúp ngực bớt sưng, nóng và cho cảm giác dễ chịu.
Thông tin thêm
Khi căng sữa, nếu không biết cách nặn bỏ sữa thì mức độ căng sẽ tăng lên, dẫn đến mất sữa do các mô tạo sữa không còn hoạt động. Ngoài ra, người mẹ có thể bị tắc các ống sữa và viêm nhiễm tuyến vú. Lúc này, không nên dùng thuốc làm ngưng tiết sữa. Các thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ nặng nề và làm căng sữa tái phát khi ngưng thuốc.
Do vậy, để tránh hiện tượng căng sữa, người mẹ cần:
– Cho bú thường xuyên. Cố gắng cho trẻ bú 10-12 lần một ngày, trong đêm không nên để quá 3 giờ.
– Cố gắng cho trẻ bú ít nhất 15 phút ở một bên vú trước khi chuyển sang vú kia. Không nên giới hạn thời gian trẻ bú.
-Thay đổi tư thế trẻ bú để làm tăng tiết sữa.
– Người mẹ nên nằm ngửa giữa mỗi lần cho bú.
Nếu bị căng tức sữa thì trước khi cho con bú, người mẹ xoa nhẹ tuyến sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa để làm mềm. Khi sử dụng máy hút sữa, cần bắt đầu từ áp lực thấp nhất và tăng dần cho đến khi bắt đầu thấy sữa chảy ra, tiếp tục tăng đến khi người mẹ cảm thấy thoải mái và còn chịu đựng được, không cần tăng đến áp lực tối đa. Nếu bầu vú và đầu núm vú quá đau, bạn nên xoa ít dầu lên núm vú trước khi hút.