Mang thai là công việc nhạy cảm và đầy lo lắng đối với các bà mẹ. Với những tiến bộ của khoa học kĩ thuật, việc siêu âm thường được nhiều mẹ tiến hành để theo dõi tình hình sức khỏe và quá trình phát triển của bé yêu. Tuy nhiên, siêu âm thường xuyên có phải là việc làm cần thiết và đúng về mặt khoa học. Liệu bà bầu có nên siêu âm nhiều không? Để giúp các mẹ bầu tìm được lời giải đáp, chúng tôi xin được chia sẻ vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Cần hiểu đúng về siêu âm và siêu âm trong thời kì mang thai
Siêu âm y khoa là một phương tiện thường được dùng để chẩn đoán các bệnh nội khoa và sản khoa. Đó là một kỹ thuật dùng sóng siêu âm có tần số cao tạo ra hình ảnh y học về cấu trúc bên trong cơ thể con người. Nhờ đó bác sĩ có thể xem được, chả hạn trong trường hợp phụ nữ có thai, sự phát triển của bào thai, hay chẩn đoán bệnh tật. Hiện nay, sản khoa là lĩnh vực sử dụng công cụ siêu âm nhiều nhất. Siêu âm thai được thực hiện một cách định kỳ trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ nhằm mục đích kiểm tra vị trí và tốc độ phát triển của thai nhi. Thông qua các hình ảnh trên máy tính, các bác sĩ có thể báo cáo được tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi để từ đó có biện pháp dinh dưỡng và những can thiệp y khoa tốt nhất.
Một số nơi cũng sử dụng kĩ thuật siêu âm để biết được giới tính của trẻ em. Thông thường phải bước sang tháng thứ 3 của thai kì mới có thể theo dõi được giới tính của đứa trẻ. Hiện nay, ở một số quốc gia cấm việc siêu âm giới tính với mục đích tránh tình trạng phá thai lựa chọn giới tính.
Siêu âm cũng được tiến hành để kiểm tra các dị tật thai nhi. Việc này chỉ có thể quan sát ở các tháng thứ 5, 6 trở đi. Bằng các can thiệp y khoa, các bác sĩ có thể làm giảm thiểu tình trạng dị tật ở em bé.
Bên cạnh đó, việc siêu âm khi mang thai còn nhằm mục đích:
+ Xem bé sắp sinh chưa nếu thai quá ngày dự sinh.
+Để kiểm tra các vấn đề trong bụng như thai ngoài tử cung, em bé nằm bình thường hay là ngược sau tuần 38.
+ Để theo sõi thai nhi khi làm các xét nghiệm đặc biệt như chọc dò ối, nội soi thai, hoặc hỗ trợ kỹ thuật mổ lấy thai.
Bà bầu không nên siêu âm nhiều
Theo bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện nay tình trạng siêu âm quá nhiều lần khi mang thai rất phổ biến và đây là việc làm phản khoa học, ẩn chứa nhiều mối hiểm họa cho mẹ và bé. Ghi nhận tại bệnh viện này, nhiều trường hợp còn đi siêu âm thai tới 20 lần trong thai kỳ.
Các bác sĩ cho biết, việc siêu âm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nghiên cứu của một bệnh viện ở Anh trên 15.000 thai phụ đã chỉ ra, những thai nhi được siêu âm tự do không hạn chế số lần thì trọng lượng thai nhi khi sinh thấp hơn hẳn những trường hợp siêu âm theo đúng quy định.
Một kết quả nghiên cứu từ Viện Hàn Lâm Y học Quốc gia Pháp và tổ chức AFSSAPS của Pháp cũng đã khuyến cáo các bà mẹ nên hết sức thận trọng đối với việc siêu âm thai ngoài mục đích chẩn đoán bệnh. Tại Mỹ đã có một nghiên cứu cho thấy, sóng này gây ảnh hưởng, nhất là trong 2 tháng đầu, khi trẻ đang hình thành các bộ phận, đặc biệt là cơ quan sinh dục, gây ra các rối loạn. Sở dĩ có điều này là do bức xạ phát ra từ những máy siêu âm có thể gây hại nguy cơ bào thai bị nứt đốt sống hay sinh ra những quái thai như không có não, bị thoái vị não, não lòi ra ngoài sọ…
Bên cạnh đó, dịch vụ in đĩa CD, hoặc VCD để các bà mẹ đem đĩa về gia đình cùng xem tim thai hoặc xem hình ảnh của đứa trẻ trong bào thai đã trở thành mốt của nhiều gia đình. Rất nhiều phòng khám thai khích lệ thai phụ làm điều này để kiếm thêm tiền. Ngoài ra, các bác sỹ cũng cảnh báo, siêu âm 3 chiều, 4 chiều không tốt hơn 2 chiều như chúng ta vẫn tưởng. Thông thường, chúng ta chỉ cần làm siêu âm 2 chiều, nếu có nghi ngờ thì mới chuyển sang chức năng 3 chiều để xem thai có bị dị dạng không hoặc là những bất thường của thai trước khi sinh. Còn phương pháp siêu âm 4 chiều thực chất cũng chỉ là siêu âm 3 chiều và có hình ảnh động.
Siêu âm bao nhiêu lần thì đủ
Trên thực tế, việc siêu âm chỉ giúp phát hiện các bất thường về hình thái – nghĩa là những gì nhìn thấy được – chứ không chẩn đoán được các rối loạn về chức năng. Có khi hình thái của cơ quan không bình thường nhưng chức năng vẫn tốt và ngược lại. Các rối loạn chức năng chỉ có thể phát hiện chính xác sau khi em bé ra đời. Vì vậy, cũng không nên quá lạm dụng nó. Theo các chuyên gia về sản khoa thì mẹ bầu chỉ nên tiến hành siêu âm 3 lần trong suốt thai kì 9 tháng 10 ngày là đủ. Ba lần siêu âm tương ứng với các mốc thời gian sau:
Siêu âm ở tuần 11 – tuần 13:
Đây là công việc cần làm để xác định tuổi thai, tính ngày dự sinh, nghe tim thai, xác định thai đơn hay đa thai, tầm soát hội chứng Down thông qua các dấu hiệu của đột biến nhiễm sắc thể, kiểm tra các dị tật bẩm sinh, thoát vị cơ hoành.
Siêu âm ở tuần 21 – tuần 24:
Mục đích của việc siêu âm ở giai đoạn này là kiểm tra tốc độ phát triển của các bộ phận như tay chân, cột sống, hộp sọ, tim, dạ dày, phổi… Ở giai đoạn này, bác sĩ cũng có thể phát hiện ra các bất thường ở thai nhi như hở hàm ếch, dị dạng nội tạng.
Siêu âm ở tuần 30 – tuần 32:
Mục đích chính của đợt siêu âm này là để rà soát các bất thường thai nhi với độ chính xác cao hơn, kiểm tra tình trạng nước ối, dây rốn, nhau thai,…để nhận định về tình trạng sức khỏe của bé. Tuy nhiên, tùy theo tình hình sức khỏe của mẹ và thai nhi mà các bác sĩ sẽ chỉ định số lần siêu âm thai phù hợp. Trong trường hợp mẹ có dấu hiệu bất thường thì có thể linh động siêu âm và siêu âm bắt buộc.
Như vậy, thông qua bài viết bà bầu có nên siêu âm nhiều không?, chắc hẳn chị em đã hiểu được những tác hại khôn lường từ việc lạm dụng siêu âm và từ đó có thêm cho mình nhiều kiến thức bổ ích về việc chăm sóc thai nhi. Chúc các bạn sớm mẹ tròn con vuông.